Monday, October 14, 2024
SprinGO - springocls.vn
HomeThư viện tài liệuKho tri thứcThông cáo báo chí về tình hình lao động, việc làm quý...

Thông cáo báo chí về tình hình lao động, việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2024​

Thông cáo báo chí về tình hình lao động, việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2024​

Lực lượng lao động và số người có việc làm trong quý II/2024 tăng so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động giảm so với quý trước[1] và tăng so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm đều tăng so với quý trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng 196,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 195,7 nghìn người; tỷ lệ thất nghiệp là 2,27% và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 2,05%, tăng 0,05 điểm phần trăm.

1. Lực lượng lao động

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý II/2024 ước tính là 52,5 triệu người, tăng 148,6 nghìn người so với quý trước và tăng 217,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý II/2024 là 68,6%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng 196,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5%, giảm 0,4 điểm phần trăm.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý II/2024 là 28,1%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 28%, tăng 1,4 điểm phần trăm, điều này cho thấy chất lượng nguồn lao động đang dần được nâng cao.

2. Lao động có việc làm

Lao động có việc làm quý II/2024 ước tính là 51,4 triệu người, tăng 126,6 nghìn người so với quý trước và tăng 217,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 19,7 triệu người, tăng 145,6 nghìn người so với quý trước và tăng 728,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 31,7 triệu người, giảm 19 nghìn người và giảm 510,7 nghìn người.

Xét theo khu vực kinh tế, lao động có việc làm quý II/2024 trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,7 triệu người, chiếm 26,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng là 17 triệu người, chiếm 33,1%; khu vực dịch vụ là 20,7 triệu người, chiếm 40,3%.

Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 195,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 19,7 triệu người, tăng 687,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 31,7 triệu người, giảm 492,2 nghìn người.

Xét theo khu vực kinh tế, lao động có việc làm sáu tháng đầu năm 2024 trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,7 triệu người, chiếm 26,7% và giảm 112,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 17 triệu người, chiếm 33,1% và giảm 201,2 nghìn người; khu vực dịch vụ là 20,7 triệu người, chiếm 40,2% và tăng 509,7 nghìn người.

Nhìn chung, lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn. Số lao động có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản)[2] quý II/2024 là 33,5 triệu người, chiếm 65,2% trong tổng số lao động có việc làm và tăng 271,7 nghìn người so với quý trước và tăng 210,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 65%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 49,7%, tăng 0,3 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 74,5%, tăng 0,6 điểm phần trăm; nam là 68,2%, tăng 0,2 điểm phần trăm và nữ là 61,5%, tăng 0,3 điểm phần trăm.

3. Thiếu việc làm trong độ tuổi lao động[3]

Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý II/2024 là 948 nghìn người, tăng 15 nghìn người so với quý trước và tăng 7,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trướcTỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý II/2024 là 2,06%, tăng 0,03 điểm phần trăm so với quý trước và không đổi so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 1,53%, tăng 0,33 điểm phần trăm và giảm 0,13 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 2,41%, giảm 0,17 điểm phần trăm và tăng 0,1 điểm phần trăm.

Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 940,5 nghìn người, tăng 27,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 2,05%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,37%, giảm 0,12 điểm phần trăm; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,49%, tăng 0,17 điểm phần trăm.

4. Thu nhập bình quân của người lao động

Thu nhập bình quân của người lao động quý II/2024 là 7,5 triệu đồng/tháng, giảm 137 nghìn đồng so với quý I/2024 và tăng 490 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,5 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,3 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,5 triệu đồng/tháng.

Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,5 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,4 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,1 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,5 triệu đồng/tháng.

5. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động[4]

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2024 là 2,29%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,01 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,71%; khu vực nông thôn là 2,01%.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động sáu tháng đầu năm 2024 là 2,27%, không đổi so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,68%; khu vực nông thôn là 2%.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) quý II/2024 là 8,01%, tăng 0,02 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. So với tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên luôn cao và gấp hơn 3 lần do thanh niên là lực lượng trẻ, nhu cầu có việc làm cao hơn, họ bắt buộc tìm kiếm việc làm. Bên cạnh đó, thanh niên thường được trang bị các kiến thức tốt với trình độ cao nên họ có nhiều cơ hội lựa chọn công việc đúng như ý muốn hơn là làm các công việc tạm thời, thu nhập thấp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,19%; khu vực nông thôn là 6,86%. Trong quý II/2024, cả nước có khoảng 1,3 triệu thanh niên (từ 15-24 tuổi) không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo, chiếm 10,2%. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn là 11,3%, khu vực thành thị là 8,5%; nữ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo là 11,5%; nam là 9,0%.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) 6 tháng đầu năm 2024 là 8%, tăng 0,49 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,18%, tăng 0,65 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 6,87%, tăng 0,4 điểm phần trăm.

6. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng[5]

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4%. Tỷ lệ này tăng rất nhanh từ thời điểm quý I/2020 và đạt mức cao kỷ lục là 10,4% vào quý III/2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Khi các hoạt động kinh tế – xã hội được khôi phục, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm nhanh từ 10,4% xuống còn 3,9% vào quý IV/2022. Tỷ lệ này có dấu hiệu tăng trở lại vào quý I/2023 (4,5%) và giữ mức 4,2% vào quý II/2024 (tương ứng với khoảng 2,2 triệu người).

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng quý II/2024 của khu vực thành thị là 4,1% và khu vực nông thôn là 4,3%. So với quý trước, tỷ lệ này ở khu vực thành thị tăng 0,2 điểm phần trăm và khu vực nông thôn giảm 0,4 điểm phần trăm. Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15-34 tuổi (chiếm 49%). Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ.

Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 4,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 4% giảm 0,3 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 4,5%, không đổi.

7. Lao động làm công việc tự sản, tự tiêu

Lao động làm công việc tự sản tự tiêu quý II/2024 là 3,9 triệu người, giảm 28,5 nghìn người so với quý trước và giảm 19,3 nghìn người người so với cùng kỳ năm trước, trong đó có gần 2,3 triệu người từ 55 tuổi trở lên (chiếm 58,4%). Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái và thiếu tính ổn định, cơ hội để nhóm lao động này tìm kiếm được công việc tốt là rất khó khăn.

Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, lao động làm công việc tự sản tự tiêu là gần 4 triệu người, giảm 35,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động nữ chiếm 63,8%; lao động ở khu vực nông thôn chiếm 86,8%.

[1] Thu nhập của lao động quý II thường giảm so với quý I do các khoản thu nhập phụ trội bổ sung từ tiền làm thêm cuối năm và tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán thường được chi trả chủ yếu trong quý I.

[2] Lao động có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong khu vực hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản) là những người có việc làm và thuộc một trong các trường hợp sau: (i) lao động gia đình không được hưởng lương, hưởng công; (ii) người chủ của cơ sở, lao động tự làm trong khu vực phi chính thức (iii) người làm công hưởng lương không được ký hợp đồng lao động hoặc được ký hợp đồng có thời hạn nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội theo hình thức bắt buộc; (iv) xã viên hợp tác xã không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; (iv) lao động trong khu vực hộ nông nghiệp.

[3] Người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động gồm những người có việc làm mong muốn làm thêm giờ; sẵn sàng làm thêm giờ; thực tế làm dưới 35 giờ/tuần.

[4] Người thất nghiệp là người từ đủ 15 tuổi trở lên mà trong thời kỳ tham chiếu có đầy đủ cả 03 yếu tố: Hiện không làm việc, đang tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc. Tỷ lệ thất nghiệp là tỷ lệ phần trăm giữa số người thất nghiệp so với lực lượng lao động.

[5] Lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đủ công việc (hay còn gọi là lao động không sử dụng hết tiềm năng) bao gồm những người thất nghiệp, thiếu việc làm và một nhóm ngoài lực lượng lao động sẵn sàng làm việc nhưng không tìm việc hoặc có tìm việc nhưng chưa sẵn sàng làm việc ngay. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là tỷ số giữa lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đầy đủ công việc so với tổng số lao động có nhu cầu làm việc trong nền kinh tế.

Nguồn:


SprinGO đơn vị tư vấn về hệ thống Quản trị – Phát triển Con người và Tổ chức
Hãy liên hệ với chúng tôi khi bạn cần hỗ trợ

SPRINGO ĐÀO TẠO – TƯ VẤN HỆ THỐNG CHIẾN LƯỢC – QUẢN TRỊ – PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI & TỔ CHỨC.

Hotline Tư vấn – Huấn luyện Doanh nghiệp
0969 798 944 (zalo, call…)
Hotline các khóa Huấn luyện/Đào tạo: 0984 394 338 (zalo, call…)
Email: hrspring.vn@gmail.com
Địa chỉ: KĐT Vinhome Gardenia Hàm Nghi, Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Bài viết nổi bật

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
springocls.vn

Most Popular