TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 834/2022/LĐ-PT NGÀY 27/12/2022 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI, TRỢ CẤP KHI CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Ngày 27 tháng 12 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 77/2022/TLPT-LĐ ngày 23 tháng 11 năm 2022 về việc “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại, về trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động”.
Do bản án lao động sơ thẩm số 31/2022/LĐ-ST ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân quận T, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 6123/2022/QĐ-PT ngày 06 tháng 12 năm 2022 giữa các đương sự:
Nguyên đơn. Ông Trần Minh T, sinh năm: 1979, Địa chỉ: 578 ấp Bình H, xã T, huyện V, tỉnh Đồng Tháp.
Bị đơn: Công ty TNHH S, Địa chỉ trụ sở: 1185 Quốc lộ 1A, phường B, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện ủy quyền: Ông Nguyễn Quốc D, sinh năm: 1982. Địa chỉ: 11/50 Đỗ Thừa L, phường Q, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh.
– Người kháng cáo: Ông Trần Minh T – Nguyên đơn
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại cấp sơ thẩm, theo đơn khởi kiện, bản tự khai và lời trình bày của Ông Trần Minh T:
Ngày 11/12/2002 ông có ký hợp đồng là động với Công ty TNHH S với thời hạn 1 năm, công việc là làm logo với mức lương 596.000 đồng. Đến ngày 01/01/2003 hai bên ký Hợp đồng lao động với thời hạn 2 năm công việc làm logo với mức lương 596.000 đồng. Ngày 01/6/2004 ông ký với Công ty Hợp đồng lao động không xác định thời hạn với mức lương là 626.000 đồng/tháng. Đến nay mức lương hiện tại là 8.088.879 đồng. Ngày 29/5/2020 Công ty có thông báo chấm dứt Hợp đồng lao động 45 người trong đó có ông và yêu cầu ông ngày 15/7/2020 đến Công ty nhận quyết định thôi việc. Ông không đồng ý với việc chấm dứt Hợp đồng lao động của Công ty. Theo đơn khởi kiện ông yêu cầu:
– Công ty đóng Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và Bảo hiểm tai nạn từ 16/7/2020 đến khi kết thúc vụ án.
– Trả lương căn bản từ 16/7/2020 với mức lương là 8.088.879 đồng.
– Bồi thường 01 năm 01 tháng tiền lương là: 8.088.879 đồng x 17 tháng = 137.510.943 đồng,
– Bồi thường 03 tháng tiền lương mất việc: 8.088.879 x 3 = 24.266.637 đồng.
Trong quá trình làm việc, hòa giải tại Tòa, ông T rút một phần yêu cầu khởi kiện không yêu cầu Công ty đóng Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và Bảo hiểm tai nạn từ 16/7/2020 đến khi kết thúc vụ án. Về phần tiền lương ông chỉ yêu cầu Công ty bồi thường 5 tháng tiền lương, cụ thể số tiền là: 8.088.879 đồng x 5 tháng = 40.444.395 đồng. Ngoài yêu cầu này ông không còn yêu cầu nào khác. Ông T đồng ý chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty TNHH S, không yêu cầu Công ty nhận lại làm việc.
Tại phiên toà sơ thẩm, nguyên đơn ông T xác nhận rút lại các yêu cầu khởi kiện về việc buộc công ty S phải đóng Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và Bảo hiểm tai nạn từ 16/7/2020 đến khi kết thúc vụ án, trả lương căn bản từ 16/7/2020 với mức lương là 8.088.879 đồng, bồi thường 01 năm 01 tháng tiền lương là: 8.088.879 đồng xã 17 tháng – 137 510.943 đồng. Ông Trần Minh T đồng ý thôi việc theo quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của công ty S và chỉ yêu cầu công ty S hỗ trợ tiền về việc chấm dứt hợp đồng lao động cho ông 3 tháng tiền lương, cụ thể số tiền là: 8.088.879 đồng x 3 tháng: 24 266.637 đồng. Ông xác nhận, khi chấm dứt hợp đồng lao động, phía công ty S có thanh toán cho ông số tiền lương đối với 45 ngày báo trước và đã đóng bảo hiểm xã hội, chốt số và trả số cho ông. Về tiền Bảo hiểm ông T xác nhận đã nhận đã khoản tiền trợ cấp từ năm 2002 đến năm 2009 do Công ty chi trả, đã nhận xong các khoản tiền Bảo hiểm thất nghiệp tại Bảo hiểm xã hội quận T.
Công ty TNHH S, có ông Nguyễn Quốc D đại diện ủy quyền, trình bày: Cuối năm 2019, công ty S dự kiến nhập thêm máy móc thiết bị để phục vụ gia công và sản xuất hàng hóa. Đồng thời tăng lương đảm bảo quyền lợi cho người lao động để ổn định sản xuất nhưng đầu năm 2020 tình hình dịch Covid 19 đã làm đảo lộn tất cả kế hoạch của công ty, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của công ty S như đơn hàng giảm, hàng hóa xuất nhập không được. Ban giám đốc tìm mọi cách để ổn định sản xuất, cho người lao động luân phiên nghỉ để trong mùa dịch bệnh người lao động ổn định cuộc sống nhưng tình hình dịch bệnh kéo dài cho đến nay. Công ty S buộc phải giảm chỗ làm, nếu giữ người lao động thì công ty không có thu nhập để trả lương cho người lao động. Nhằm tạo điều kiện cho người lao động, công ty S thông báo trước về việc cho thôi việc một số lao động. Công ty S đã thông báo trước 45 ngày, người lao động không phải đến công ty làm việc nhưng vẫn được thanh toán đầy đủ lương 45 ngày và đóng bảo hiểm đến hết tháng 7 năm 2020. Công ty S đã thực hiện việc thanh toán 45 ngày tiền lương báo trước và đóng bảo hiểm tháng 6, 7 năm 2020. Sau đó, người lao động khiếu nại đến Liên đoàn lao động quận T nhưng vẫn hòa giải không thành và nay ông T yêu cầu công ty S phải bồi thường 5 tháng tiền lương, cụ thể số tiền là 8.088.879 đồng x 5 tháng là 40.444.395 đồng. Trong thời gian qua do dịch bệnh nên công ty rất khó khăn, do đó công ty S đã chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông T, khi chấm dứt hợp đồng lao động với ông T, công ty S đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật lao động về thời hạn báo trước, trả đầy đủ lương và đóng bảo hiểm đầy đủ, đã chốt số và trả cho người lao động. Vì vậy, công ty S không đồng ý với yêu cầu của ông T.
Tại phiên toà sơ thẩm, bị đơn trình bày: Do đầu năm 2020 tình hình dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của công ty S nên công ty S buộc phải giảm chỗ làm và đã cho ông T thôi việc tại công ty. Công ty đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về lao động trong việc cho người lao động nghi việc, trong đó có Ông Trần Minh T. Do đó, Công ty không đồng ý với yêu cầu của ông T. Công ty có ý kiến nếu ông T rút đơn hoặc đồng ý hòa giải tại Tòa thì Công ty sẽ hỗ trợ cho ông T 2 tháng tiền lương, số tiền là 8.088.879 đồng x 2 tháng= 16.177.758 đồng.
Bản án lao động sơ thẩm số 31/2022/LĐ-ST ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân quận T, Thành phố Hồ Chí Minh đã xử:
Căn cứ khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 146, Điều 147, Điều 203, Điều 217; Điều 220, Điều 235 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 38; Điều 48 và Điều 49 của Bộ luật Lao động năm 2012; Nghị quyết 326 ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án của UBTVQH 1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ông Trần Minh T. Về việc yêu cầu buộc Công ty TNHH S hỗ trợ tiền do chấm dứt hợp đồng lao động cho ông 03 tháng tiền lương số tiền là: 8.088.879 đồng x 3 tháng = 24.266.637 đồng.
2. Đình chỉ giải quyết các yêu cầu của Ông Trần Minh T về việc buộc công ty S phải đóng Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và Bảo hiểm tai nạn từ 16/7/2020 đến khi kết thúc vụ án, buộc Công ty trả lương căn bản từ 16/7/2020 với mức lương là 8.088.879 đồng, bồi thường 01 năm 01 tháng tiền lương là: 8.088.879 đồng x 17 tháng = 137.510.943 đồng.
Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo và quy định về thi hành án cho các bên đương sự.
Ngày 30/9/2022 nguyên đơn nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, đề nghị bị đơn xem xét trả nguyên đơn 3 tháng tiền lương.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Các đương sự đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án: Công ty TNHH S hỗ trợ thêm cho người lao động Ông Trần Minh T 02 (hai) tháng tiền lương với số tiền là 16.177.758 đồng. Công ty TNHH S thanh toán số tiền này vào tài khoản số 070120841082 tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) của Ông Trần Minh T chậm nhất là ngày 28/12/2022. Đề nghị Hội đồng xét xử công nhận sự thỏa thuận của các bên đương sự.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến:
Về hình thức: Đơn kháng cáo của bị đơn nằm trong hạn luật định nên được chấp nhận hợp lệ. Việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán; Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng trong giai đoạn xét xử phúc thẩm kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm nghị án đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về nội dung: Do các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử ra bản án phúc thẩm, sửa bán án sơ thẩm, công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng: Kháng cáo của nguyên đơn còn trong hạn luật định phù hợp khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 nên được chấp nhận.
Cấp sơ thẩm căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 xác định quan hệ pháp luật tranh chấp về bồi thường thiệt hại, về trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động và xác định vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh là đúng quy định.
[2] Về nội dung: Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự đã thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án và thỏa thuận này là tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái với đạo đức xã hội, đồng thời Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị sửa bản án sơ thẩm, công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Hội đồng xét xử phúc thẩm thống nhất ra bản án phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là phù hợp với qui định tại khoản 1 Điều 300 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[3] Án phí lao động sơ thẩm: Nguyên đơn Ông Trần Minh T không phải chịu án phí.
[4] Về án phí lao động phúc thẩm: căn cứ điểm a khoản 1 Điều 12, khoản 5 Điều 29 Nghị định 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016, Nguyên đơn Ông Trần Minh T không phải chịu án phí.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 300 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015:
– Chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ của Ông Trần Minh T – Sửa Bản án lao động sơ thẩm số 31/2022/LĐ-ST ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân quận T, Thành phố Hồ Chí Minh, công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Căn cứ: điểm a khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 273, Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; khoản 3 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2012; điểm a khoản 1 Điều 12, khoản 5 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016.
1. Đình chỉ giải quyết các yêu cầu của Ông Trần Minh T về việc: Buộc Công ty TNHH S phải đóng Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và Bảo hiểm tai nạn từ 16/7/2020 đến khi kết thúc vụ án; buộc Công ty trả lương căn bản từ 16/7/2020 với mức lương là 8.088.879 đồng; bồi thường 01 năm 01 tháng tiền lương là 137.510.943 đồng.
2. Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự:
Hợp đồng lao động ngày 01/6/2004 giữa Công ty TNHH S và Ông Trần Minh T chấm dứt kể từ ngày 16/7/2020.
Công ty TNHH S hỗ trợ thêm cho người lao động Ông Trần Minh T 02 (hai) tháng tiền lương với số tiền là 16.177.758 đồng (mười sáu triệu một trăm bảy mươi bảy ngàn bảy trăm năm mươi tám đồng). Công ty TNHH S thanh toán số tiền này vào tài khoản số 070120841082 tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) của Ông Trần Minh T chậm nhất là ngày 28/12/2022.
Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi tính trên số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
3. Án phí lao động sơ thẩm: Ông Trần Minh T không phải chịu án phí.
4. Về án phí lao động phúc thẩm: Ông Trần Minh T không phải chịu án phí.
5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.